7 ý tưởng kinh doanh hot nhất ngành dịch vụ ăn uống năm 2018

Ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,7%/năm và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020. Không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp này đang rất quyến rũ các nhà đầu tư có tầm nhìn xa và muốn nhảy vào ngành dịch vụ béo bở này. Sau đây là 7 ý tưởng kinh doanh hot nhất về dịch vụ ăn uống trong năm 2018.

  1. Dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến

Trong vài năm trở lại đây, thị trường kinh doanh đồ ăn trực tuyến – ship tận nơi đang phát triển mạnh và đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” dành cho các nhà đầu tư. Thị trường kinh doanh đồ ăn trực tuyến trị giá 210 tỷ USD vẫn còn là mảnh đất rộng lớn. Tuy nhiên, nhu cầu muốn gọi đồ ăn online của thực khách ngày càng đa dạng hơn, không chỉ là Pizza như lâu nay.  Những nhà đầu tư mới cần phải đi tìm “miếng bánh riêng” cho mình để đem đến nhiều lựa chọn phong phú cho khách hàng.

  1. Dịch vụ cung cấp những bữa ăn lành mạnh

Đời sống ngày càng đầy đủ khiến khách hàng “ăn không chỉ để no mà còn lo cho sức khỏe”. Những vấn đề về béo phì, các bệnh về tim mạch… luôn khiến thực khách phải đắn đo khi chọn món ăn. Vì thế mà có rất nhiều người cần tư vấn ăn cái gì và nên ăn khi nào.

Những start-up cung cấp những bữa ăn lành mạnh và cải thiện lỗi sống của mọi người như FlexPro Meals (Mỹ) hay Fresh Deli (Việt Nam) ra đời đã giúp khách hàng thiết lập các chế độ ăn đảm bảo sức khỏe và thực hiện giao bữa ăn được chuẩn bị theo nhu cầu của từng khách hàng hàng ngày.

  1. Dịch vụ cung cấp thực phẩm hữu cơ với giá cạnh tranh

Ngày càng nhiều người thích sử dụng thực phẩm hữu cơ và có 1 điều đảm bảo rằng họ sẽ tốn tiền hơn. Lấy ví dụ, trong khi 1 hộp trứng gà thông thường 10 quả có giá 24.000 đồng thì hộp 10 quả trứng gà hữu cơ có giá tới gần 100.000 đồng.

Brandless – 1 trong những start-up về thực phẩm của Mỹ đã nhận thấy chi phí đắt là một trở ngại với nhiều người mua nên đã đưa ra mô hình thực phẩm hữu cơ đồng giá 3 USD để giúp người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm hữu cơ dễ dàng hơn.

  1. Dịch vụ cung cấp món ăn chế biến sẵn

Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến nhiều phụ nữ không có thời gian để nấu ăn cho gia đình. Do đó mà có rất nhiều chị em mong muốn được hỗ trợ nấu những bữa ăn ngon nhưng phải nhanh. Nắm bắt xu hướng này, Elements – một start-up cung cấp các nguyên liệu được chuẩn bị sẵn bằng công nghệ sấy lạnh đã ra đời. Người tiêu dùng chỉ cần mở túi sản phẩm, cho nước sôi là hoàn toàn có thể thưởng thức những món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng mà không tốn quá nhiều thời gian.

  1. Ứng dụng đăng ký gọi món trước

Khách hàng đi ăn luôn mong muốn được phục vụ món một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, thời gian chờ trung bình tại các cửa hàng ăn là 6,6 giờ/tuần, thời gian chờ để 1 bàn ăn được phục vụ món là gần 30 phút. Nhận thấy điều này, một số cửa hàng thức ăn đã dần đưa ứng dụng như NoWait vào hoạt động, cho phép thực khách đăng ký xếp hàng ngay cả khi ngồi ở nhà để không phải xếp hàng đợi chờ lâu.

  1. Dịch vụ dạy nấu ăn trực tuyến

Rất nhiều người trẻ hiện nay mong muốn học nấu ăn ngon nên rất cần được cung cấp các khóa học nấu ăn ngon, làm bánh hiện đại và thân thiện để giúp họ tự biết cách nấu những bữa ăn ngon cho gia đình theo sở thích của họ. Hipcooks là 1 startup có trụ sở ở San Diego cung cấp 1 vài khóa học nấu ăn tiên tiến và rất thu hút giới trẻ Mỹ.

  1. Dịch vụ hướng đến xã hội

Theo thống kê, có khoảng 61% thế hệ Y (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1980 – 2000) quan tâm đến tương lai của trái đất và mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Các start-up có thể dựa vào tâm lý này của người tiêu dùng để kinh doanh.

Ở Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của cựu Tổng thống Barrack Obama, start-up Imperfect Produce đã ra đời – cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng nhưng “xấu mã” (hình dáng bên ngoài không được đẹp) với mức giá rẻ hơn để góp phần chung tay giảm thiểu việc lãng phí thực phẩm.

Nguồn: Tapchikinhdoanh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *